Vòng xoáy nhảy việc của sinh viên mới ra trường là đây!
Nhiều công ty thậm chí hiện nay còn rất “ngại” nhận hồ sơ xin việc của sinh viên vừa ra trường. Với họ, tầng lớp lao động trẻ đang ngày càng khiến các công ty mất
Có quá nhiều lý do để những sinh viên vừa chân ướt chân ráo rời giảng đường bị cuốn vào vòng xoáy luẩn quẩn của tình trạng “nhảy việc”. Nhiều người thậm chí còn gần như mất phương hướng khi muốn tìm cho mình một công việc ổn định, có thu nhập tương xứng với năng lực.
Ngân mới ra trường được vài tháng, chuyên ngành của cô là kế toán. Nhờ các mối quan hệ quen biết từ thời còn đi làm thêm hồi sinh viên, Ngân nhanh chóng có thông tin về vấn đề tuyển dụng của các công ty lớn, nơi nào cần người và đặc biệt là về lĩnh vực chuyên môn của cô. Và cũng như nhiều bạn bè, Ngân bắt đầu chiến dịch “rải thảm” hồ sơ bất cứ khi nào có thể. Với tấm bằng loại khá, Ngân không mấy chật vật khi được các nhà tuyển dụng “để mắt” tới và cô tìm được việc làm nhanh chóng. Ban đầu, Ngân được một công ty liên doanh nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm 2,5 triệu đồng/tháng.
Quá ảo tưởng về một mức thu nhập ngất ngưởng, Ngân không hài lòng với những gì đang có. Cô tự tạo đích ngắm cho mình là những vị trí có mức thu nhập khởi điểm phải tầm 4 – 5 triệu/tháng. Thế nhưng, nhảy từ nơi này sang nơi khác, Ngân mới nhận ra rằng, chẳng có gì bắt đầu đúng như mơ. Trong khi bạn bè khấp khởi với công việc đầu tiên trong đời đi làm thì Ngân đã trải qua mấy nơi, và không nơi nào đủ “sức” giữ tham vọng của Ngân ở lại, dẫu chỉ khoảng 2 tháng. Chán nản và mệt mỏi vì mới khởi nghiệp đã không mấy suôn sẻ, Ngân quyết tâm kiếm một chỗ thật “ngon” và cố bám trụ đến cùng.
Với những người trẻ mới ra đời lập nghiệp, dường như mức thu nhập lại đang trở thành cái đích quan trọng hàng đầu để họ nhắm đến. Khang chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Thời gian cuối cùng ngồi trên ghế giảng đường đầy bận rộn không ngăn nổi tham vọng có ngay việc làm vững chắc của Khang. Khang nộp hồ sơ xin việc ở một công ty lớn. Sự tự tin, năng động và một chút may mắn đã giúp Khang có được một vị trí khá khẩm so với nhiều sinh viên mới ra trường khác.
Với Khang, quả thực công ty là một nơi làm việc lý tưởng và đáng để mơ ước. Sếp tận tình, đặc biệt dành rất nhiều sự quan tâm cho những người trẻ như Khang, đồng nghiệp gắn bó, môi trường làm việc khá chuyên nghiệp và con đường thăng tiến luôn rộng mở cho những ai thực sự có năng lực, mà với Khang, điều này không đáng để lo ngại lắm. Thế nhưng mới đặt chân được vào công ty mấy tháng, Khang đã nhanh chóng xin nghỉ việc. Lý do là bởi Khang nhận thấy với năng lực của mình, các công ty khác có thể trả lương cao hơn. Với Khang, điều đó bây giờ mới là điều quan trọng chứ không phải là môi trường công việc hay những thứ đại loại như thế. Khang bỏ việc vì những lời mời “bùi tai” của các công ty đối thủ mà theo đánh giá trước đây của giới trong ngành là môi trường làm việc không được chuyên nghiệp cho lắm. Giờ khi được đề nghị mức lương cao hơn, hình như Khang lại quên mất những gì được biết.
Dù mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như được trải qua những thực tiễn cần thiết, nhiều người trẻ lại “đòi hỏi” quá mức cho phép vào bản thân mình và công ty nơi họ làm việc. Mức lương, môi trường phát triển… là những lý do khiến họ ra đi, bỏ lại sau lưng sự khó hiểu của các nhà tuyển dụng. Nhiều người trẻ nhảy việc còn vì sở thích, muốn chứng tỏ và thử nghiệm năng lực của mình rồi mới nghĩ đến chuyện ổn định về lâu về dài. Tuy nhiên, với các công ty tuyển dụng hàng đầu, “nhảy việc” là một việc nên hạn chế, đặc biệt là với lớp sinh viên mới ra trường. Chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều thời gian để khẳng định bản thân, chuyện “nhảy việc” của bạn hóa ra lại tạo một ấn tượng xấu cho các nhà tuyển dụng.
Nhiều công ty thậm chí hiện nay còn rất “ngại” nhận hồ sơ xin việc của sinh viên vừa ra trường. Với họ, tầng lớp lao động trẻ đang ngày càng khiến các công ty mất lòng tin vào độ “chung thủy” của họ mặc dù khi được phỏng vấn, ai cũng cố cho các nhà tuyển dụng thấy nhiệt huyết công việc và lòng quyết tâm được gắn bó, cống hiến dài lâu với công ty. Thế nhưng sau một thời gian học hỏi và được đào tạo trong thực tiễn công việc, được tin tưởng để trở thành nhân viên chính thức, nhưng chưa cống hiến được gì, các bạn trẻ đã vội vàng ra đi. Không ít doanh nghiệp còn thẳng thừng tuyên bố họ chỉ nhận những ứng viên có từ vài năm kinh nghiệm trở lên, điều đó vô hình chung gạt bỏ hoàn toàn lớp lao động trẻ vừa ra trường. Những người trẻ cần nhận thức rõ ràng hơn tính chất nghiêm trọng của vấn đề “nhảy việc” để tránh lãng phí khoảng thời gian dài không ổn định được, đồng thời tạo khó khăn phát triển về lâu dài trong sự nghiệp của mình.
Leave a Reply