Chiến thuật tăng lương trong khủng hoảng thành công
Giữa lúc đó, công ty ra thông báo cử người đi tìm kiếm đối tác ở các thị trường nước ngoài. Ngán ngẩm vì sự đen tối của nền kinh tế toàn cầu lúc này, chẳng ai thiết
Nền kinh tế suy thoái cộng với giá cả sinh hoạt không được mấy dễ chịu, trong khi đồng lương ít ỏi vẫn chẳng chịu nhúc nhích tăng cho phù hợp, bạn – một người lao động bình thường sẽ cảm thấy chật vật và chán nản khi phải chống chọi cuộc sống thiếu thốn tiền bạc. Vậy làm cách nào để có được cơ hội nâng mức thu nhập của mình?
Cách đây chừng vài tháng, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang trở nên ngày càng tồi tệ thì vẫn có một bài báo mang chiều hướng lạc quan “Lương nhân viên tăng vọt nhờ khủng hoảng kinh tế”. Bài báo có trích dẫn kết quả khảo sát lương ở doanh nghiệp của các công ty “săn đầu người” tại Thành phố Hồ Chính Minh cho thấy năm 2008, mặt bằng tiền công nhân viên tăng trung bình 15- 19%, mức cao nhất trong vòng 3-5 năm qua. Kết quả khảo sát của hai công ty đào tạo nhân lực Talentnet và Mercer cho thấy lương trên thị trường bình quân tăng 15%, được nhận định là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua.
Nhìn vào kết quả đó sẽ nhận thấy câu hỏi “Tăng lương trong thời kỳ khủng hoảng?” có vẻ hơi nghịch lý và siêu tưởng lại là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong khi các doanh nghiệp rơi vào tình thế đơn đặt hàng sụt giảm mạnh, cắt giảm nhân sự, giãn công… thì yêu cầu đòi tăng lương của bạn liệu có khiến cho các sếp đã rối bời vì tiền bạc lại càng thêm đau đầu, chán nản? Đòi tăng lương là cả một nghệ thuật và chuyện đòi tăng trong thời điểm này thì mức độ may rủi và cần bạn phải thật “nghệ thuật” gấp nhiều lần. Biết là khó nhưng không phải là không làm được, miễn bạn là một nhân viên thực sự xứng đáng và có thể đưa ra yêu cầu trong hoàn cảnh thích hợp.
Khoa làm cho một công ty về xuất nhập khẩu. Những ngày này ở công ty, Khoa đều cảm nhận được bầu không khí ảm đạm và ngột thở vì nỗi lo lợi nhuận năm nay sẽ bị sụt giảm một cách đáng báo động. Bản thân Khoa cũng cảm nhận được sự bất an từ chính mức lương hàng tháng anh nhận đã không còn khoản thưởng thêm như hồi trước. Làm nhân viên kinh doanh mà chỉ trông chờ vào đồng lương ba cọc ba đồng, Khoa biết mình sẽ chẳng thể sống sót nổi .. để chờ đợi cuộc suy thoái kinh tế chấm dứt.
Giữa lúc đó, công ty ra thông báo cử người đi tìm kiếm đối tác ở các thị trường nước ngoài. Ngán ngẩm vì sự đen tối của nền kinh tế toàn cầu lúc này, chẳng ai thiết tha nhận nhiệm vụ mới. Nhưng Khoa lại nghĩ khác, anh cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để anh chứng tỏ bản thân mình, tăng thêm vốn hiểu biết, kinh nghiệm làm ăn và tìm kiếm cơ hội hồi phục cho công ty. Với vốn ngoại ngữ khá cộng với nhiều mối quan hệ từ trước, Khoa rất tự tin vào những gì mình sẽ đạt được. Khoa đến gặp lãnh đạo xin được đi ngay. Trước thái độ hồ hởi, nhiệt tình và quyết tâm cao của Khoa, ban lãnh đạo đã đồng ý cho anh sang trời Tây một thời gian. Trở về, chẳng những kiếm được cho công ty mấy cái hợp đồng mà Khoa còn thiết lập được khá nhiều mối quan hệ với các đối tác tiềm năng, hứa hẹn sẽ giúp công ty Khoa vượt qua khó khăn.
Sự thành công hơn cả sức tưởng tượng của Khoa chẳng những giúp bậc lương của anh tăng lên gấp ba lần mà còn mang lại cho anh chiếc ghế trưởng phòng kinh doanh, điều mà bấy lâu anh đã mong ước có được.
Nghe chuyện Thanh và đồng nghiệp cùng công ty được tăng lương đồng loạt chẳng mấy ai tin nhưng đó lại là sự thật. Mới đây, công ty của Thanh tiến hành đợt giảm nhân sự và khuyến khích những người khá lớn tuổi về hưu sớm để tiết kiệm chi phí. Giảm người nhưng khối lượng công việc vẫn chẳng hề giảm. Thế là những người “may mắn” còn được ở lại như Thanh phải gánh thêm phần việc vốn thường ngày thuộc trách nhiệm của hai, ba người khác. Làm ở công ty không hết, Thanh còn phải mang về nhà tranh thủ làm thêm buổi tối để kịp tiến độ. Áp lực công việc đã khiến sức khỏe của Thanh sụt giảm.
Cực chẳng đã, cô phải lên thẳng ban giám đốc để đòi được tăng lương cho xứng đáng với phần việc khổng lồ mà cô và những đồng nghiệp còn lại đang phải gánh vác. Sau bài phát biểu có lý có tình của Thanh, nhận thấy yêu cầu đó là hợp lý và để làm dịu bớt không khí căng thẳng của công ty sau thời gian cắt giảm nhân sự, ban lãnh đạo đã quyết định tăng lương và mức thưởng cho nhân viên. Nhớ lại hành động “dũng cảm” của mình, Thanh vẫn còn run: “Giờ nghĩ lại mình vẫn còn run, nhỡ may sếp cáu lên cho mình ra đường như mấy nhân viên trước thì nguy”.
Xác định được giá trị của bản thân và đong đếm những gì mình đã đóng góp được cho công ty, người lao động sẽ biết được đâu là thời điểm thích hợp để đạt được thỏa thuận tăng lương với các sếp trong thời kì khủng hoảng này.
Leave a Reply